‘Vượt lười’ khi làm việc tại nhà? Không khó!

Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất khiến bạn lười biếng hơn khi WFH. Thử ngay các giải pháp của CareerBuilder để đảm bảo năng suất và hiệu quả công việc nhé.

Lý do 1: Bạn vẫn đang mặc đồ ngủ
Chắc hẳn rất nhiều người mặc nguyên bộ quần áo ngủ xuề xòa ngồi trước máy tính khi làm việc tại nhà. Đồ ngủ rõ ràng khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn so với trang phục công sở, nhưng nó có thể tác động xấu đến động lực làm việc.

Sau khi thức dậy, nếu không bận tâm đến việc thay quần áo hay đánh răng rửa mặt, bạn sẽ kéo tâm trạng lờ đờ uể oải từ giường ngủ sang bàn làm việc. Nói cách khác, bạn đã “sai ngay từ khi bắt đầu” vì tâm trạng uể oải đó có thể bám lấy bạn cả ngày.

Giải pháp: Giữ thói quen chuẩn bị vào buổi sáng như hồi còn đến văn phòng. Không cần ăn diện, nhưng hãy dành vài phút để vệ sinh cá nhân, chải đầu, mặc quần áo chỉnh tề cũng như ăn sáng đàng hoàng. Những hành động này sẽ bật “chế độ làm việc” cho não bộ, đồng thời, tạo nên một chu trình buổi sáng lành mạnh, hiệu quả.

Lý do 2: Bạn ‘dính chặt’ vào ghế
Trong thời kỳ giãn cách xã hội, chúng ta có thể ngồi trong phòng kín cả ngày lẫn đêm, chẳng mấy khi đứng dậy thay đổi môi trường. Nếu bạn đã nhìn chằm chằm vào cùng một bức tường trong nhiều ngày, tâm trí bạn rất có thể bắt đầu ‘đóng băng’ và năng lượng dần cạn kiệt.

Giải pháp: Rõ ràng chúng ta cần hạn chế ra ngoài trong thời điểm này, nhưng bạn vẫn có thể đứng dậy và ra lan can, lên sân thượng hít thở không khí hoặc vào bếp pha trà… Thậm chí, chúng ta không nhất thiết phải ngồi một chỗ gõ máy tính trong suốt thời kỳ WFH. Nếu có thể, thử chuyển sang phòng khách, phòng bếp, ban công... để ‘đổi gió’. Chỉ một thay đổi nhỏ về không gian cũng có thể mang lại hiệu quả kỳ diệu trong việc tăng động lực, thúc đẩy sự sáng tạo.

Lý do 3: Bạn kiệt sức
Có thể không phải bạn “lười” như bạn tưởng. Trên thực tế, có lẽ bạn đã ‘cày’ quá nhiều và giờ cơ thể đang “đình công”.

Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người lao động WFH hiệu quả hơn nhiều so với những người làm việc tại văn phòng. Tuy nhiên, một người chỉ có thể duy trì năng suất tối đa trong khoảng thời gian nhất định, và sau đó, năng suất sẽ ‘tụt dốc’. Sau nhiều ngày làm việc quên giờ giấc, có thể bạn muốn bò lên giường và nằm ì cả ngày vì đã quá mệt mỏi.

Giải phápAi cũng xứng đáng được nghỉ ngơi. Cho dù đang WFH, bạn vẫn nên bám sát các khung giờ nghỉ giữa giờ, nghỉ trưa, tan làm. Ngoài ra, đừng thức đêm để ‘cày phim’ hay chơi game vì nghĩ mình có thể dậy muộn hơn vào sáng hôm sau. Nhớ rằng ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi thường xuyên giúp trí não và cơ thể sạc lại năng lượng và hoạt động tốt hơn.

Lý do 4: Bạn bị phân tâm
Khi WFH, chúng ta không còn phải đối mặt với những phiền nhiễu nơi công sở: Không còn đồng nghiệp nào nói chuyện điện thoại quá to, không còn ‘bà tám’ nào đột nhiên tiến đến và buôn chuyện không đâu.

Nhưng điều đó không có nghĩa là môi trường WFH ‘sạch’ phiền nhiễu. Sự thật là có rất nhiều yếu tố gây xao lãng, ví dụ như việc nhà và các loại tiếng ồn. Thật khó để tập trung vào công việc nếu bạn có một đống việc nhà ‘đè lên đầu’, ví dụ như rửa bát, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, chăm sóc con cái... Chưa kể, những người sống trong hộ gia đình đông đúc sẽ bị vô số tiếng ồn làm phiền: tiếng TV, máy giặt, tiếng trẻ em, vật nuôi…