Chuyện ứng tuyển: Vì sao ứng tuyển mãi vẫn không đậu?
Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao ứng tuyển khắp nơi, nhưng mãi vẫn chưa tìm được việc không? Bạn băn khoăn tại sao apply CV vào nhiều công ty mà chẳng thấy công ty nào gọi phỏng vấn? Thật ra, mọi chuyện đều có lý do cả đấy. Thực trạng các bạn trẻ không tìm được việc xuất phát từ nhiều lý do: có thể là vì bộ hồ sơ của bạn chưa đạt được mong muốn của nhà tuyển dụng hoặc do bạn chưa phù hợp với văn hóa công ty... Và còn vô vàn những yếu tố “bí ẩn” khác mà chúng ta sau khi bị đánh trượt hồ sơ, cũng chẳng rõ tường tận. Chính vì vậy, bạn cần phải tìm hiểu kỹ càng về yêu cầu của nhà tuyển dụng khi đánh giá ứng viên tìm việc ngày nay.
Hãy cùng EJOB - Van Lang University tìm ra các lý do phổ biến khiến chúng ta “bị trượt” job offer để rút kinh nghiệm cho những lần ứng tuyển sau này.
Chuyện tìm việc: Đâu mới là công việc phù hợp với bạn?
Có một luật bất thành văn trong giới tuyển dụng, mà ứng viên cần được biết, đó chính là: “Không tuyển người giỏi nhất, mà tuyển người phù hợp nhất”.
Vậy, định nghĩa “người phù hợp nhất” ở đây là gì?
Nhà tuyển dụng thường đánh giá các ứng viên dựa theo ba tiêu chí cơ bản sau đây:
- Can do (Ứng viên có khả năng đảm nhận công việc)
- Will do (Ứng viên có mong muốn và động lực để làm tốt công việc)
- Will fit (Ứng viên có tính cách và các giá trị phù hợp, tương đồng với văn hóa doanh nghiệp của công ty)
Điều này cũng tương đồng với ba thứ là: chuyên môn/khả năng – thái độ – phù hợp văn hóa. Vì vậy, ứng viên phù hợp nhất sẽ là người đạt được đủ ba tiêu chí trên, vừa có số điểm của ba tiêu chí cao nhất.
Nếu bạn không may “tuột” mất cơ hội việc làm vì lý do “không phù hợp với văn hóa” thì cũng đừng buồn. Bạn có đủ khả năng và tố chất, chỉ là đôi bên chưa có duyên để thuộc về nhau mà thôi.
Do đó, việc chọn lựa công việc phù hợp để ứng tuyển cũng rất quan trọng, giúp ứng viên nâng cao tỷ lệ đậu CV/phỏng vấn khi tập trung về chất lượng hơn là số lượng.
Chính vì vậy, chúng ta nên nghiên cứu JD (Job Description) và chọn lọc công việc thật phù hợp với bản sắc cá nhân mình để tăng tỷ lệ “Nộp đâu trúng đó”.
Chuyện viết CV: Thế nào là một CV chất lượng?
Giữa một CV chung chung và một CV được đầu tư bài bản cho từng vị trí ứng tuyển, tất nhiên, nhà tuyển dụng lựa chọn cái thứ hai rồi. Đương nhiên, việc “rải CV” không hề xấu, thậm chí, các nhà tuyển dụng còn khuyến khích các bạn trẻ ngày này nộp càng nhiều CV càng tốt (vì số lần ứng tuyển nhiều, chắc chắn tỷ lệ được nhận phỏng vấn của bạn sẽ cao hơn nếu so với 1-2 lần gửi hồ sơ lác đác).
Tải mẫu CV chất lượng, file word tại đây!
Song, chúng ta cần “rải” một cách chất lượng và có tâm. Theo chị Nguyễn Châu Linh - Tập đoàn Hành Trình Kim Cương, có hai thứ mà một ứng viên tiềm năng cần đảm bảo khi viết CV:
- Một là sự liên quan.
- Hai là tính liên kết.
Trước hết, CV của bạn cần chứa các từ khóa (keyword) chính liên quan tới vị trí ứng tuyển (thường được đề ra cụ thể ở JD sẵn có). Điều này sẽ phản ánh năng lực (can do) và thái độ (will do) của bạn qua sự đầu tư và nghiên cứu công việc một cách đầy đủ. Đồng thời, nội dung CV của bạn cần thể hiện ra tính liên kết giữa kiến thức, trải nghiệm và kinh nghiệm mà bạn có với vị trí công việc ứng tuyển. Thật vậy, một trong những lý do khiến CV mất điểm chính là các bạn viết quá nhiều thông tin dư thừa với hàng loạt hoạt động ngoại khóa, giải thưởng… nhưng lại “trớt quớt” với công việc ứng tuyển. Không chỉ thế, điều này còn vô tình gây “nhiễu” quá trình “scan” CV của nhà tuyển dụng.
Chuyện phỏng vấn: Nên làm gì để chinh phục nhà tuyển dụng?
Nếu như CV chỉ phản ánh được phần nào “can do” của ứng viên, thì thể hiện của các bạn tại những buổi phỏng vấn sẽ là chứng minh chân thật nhất dành cho nhà tuyển dụng để đánh giá đầy đủ ba yếu tố kể trên, bao gồm thêm “will do” và “will fit”. Điều rõ ràng đầu tiên mà nhà tuyển dụng thấy về yếu tố “can do” chính là phong thái và tác phong của ứng viên tại buổi phỏng vấn. Chẳng hạn, ấn tượng đầu tiên này có thể được nhìn thấy qua cách bạn chuẩn bị một diện mạo gọn gàng, tươi sáng, tác phong đúng giờ; hay đối với hình thức phỏng vấn online, sự chuẩn bị chỉn chu về lựa chọn không gian phỏng vấn, ánh sáng, góc cam...cũng thể hiện phần nào tính chỉn chun, kỹ tính của ứng viên.
Khám phá cách xây dựng thương hiệu cá nhân
Nói về kinh nghiệm trả lời phỏng vấn ứng tuyển hiệu quả, chị Đoàn Thị Kiều Hân - Founder Mỹ Phẩm BIO - Q có chia sẻ: "Ứng tuyển công việc cũng giống như cách chúng ta Personal Branding vậy. Bạn cần đưa ra các tố chất, yếu tố mà nhà tuyển dụng đang cần. Trong đó, “can do” chính là điểm mạnh nổi bật của bạn, will do là yếu tố liên kết với đam mê của bạn trong công việc, và cuối cùng là will fit – đâu là điểm giá trị tương đồng giữa bạn và công ty."
Xem thêm những chia sẻ về sinh viên Văn Lang của đại diện doanh nghiệp TẠI ĐÂY
Sau khi đã nắm rõ được ba yếu tố trên, hãy lồng ghép các câu chuyện cá nhân một cách tinh tế và khéo léo khi trả lời nhà tuyển dụng. Cuối cùng, là chờ đợi điều tốt đẹp và sẵn sàng cho một công việc mới các bạn nhé!
Theo Glints