Tại sao người trẻ cần phái có kiến thức - kinh nghiệm - trải nghiệm
Mới ra trường làm sao để có việc khi toàn gặp phải "cửa ải" yêu cầu 1 năm kinh nghiệm?
Có được công việc chính thức đầu tiên luôn là bước đầu gian nan đối với sinh viên mới ra trường. Theo khảo sát của Standout CV, hơn 50% công việc đòi hỏi ứng viên phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm. Thậm chí một số còn yêu cầu từ 2.5 năm trở lên.
Nguồn: Standout CV
Những bạn trẻ mới chân ướt chân ráo gia nhập vào thị trường lao động sẽ khó mà đáp ứng được yêu cầu này. Nhưng nếu nhà tuyển dụng không tuyển thì các bạn trẻ lại không có kinh nghiệm. Để “chiêu thức” thoát khỏi vòng lặp tưởng chừng vô tận này, ngày càng nhiều bạn trẻ lựa chọn đi làm sớm hơn, thậm chí trước cả thời điểm trường yêu cầu đi thực tập.
Nguồn: Trung tâm Phát triển Năng lực Sinh viên
Theo một nghiên cứu khảo sát số lượng sinh viên đi làm thêm của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, số lượng sinh viên của trường đi làm thêm chiếm tới 70 - 80%. Ngoài lý do kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, các bạn trẻ còn muốn tích lũy những kỹ năng cần thiết và tích đủ yêu cầu số năm kinh nghiệm tối thiểu để có thể kiếm việc dễ dàng hơn.
Kinh nghiệm thực chiến ở môi trường công sở dường như là yếu tố quyết định liệu bạn có được việc làm ngay sau khi ra trường hay không. Thế nhưng có thực sự như thế? Làm gì để rút ngắn hành trình đến với công việc tốt khi bạn chưa có kinh nghiệm?
Nhà tuyển dụng thực sự cần gì khi yêu cầu ứng viên trẻ “có kinh nghiệm”?
Việc nhà tuyển dụng yêu cầu kinh nghiệm đối với ứng viên trẻ không hẳn để làm khó các bạn. Vì các kiến thức được dạy ở trường và công việc thực tế có nhiều sự khác biệt, nên nếu một bạn trẻ chưa từng có bất kỳ trải nghiệm nào khác bên ngoài trường học thì khó để mà làm việc cùng ở vị trí chính thức (full-time), thậm chí có nhiều nơi vị trí (part-time) cũng đòi hỏi kinh nghiệm tương đương. Nhất là trong tình hình bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các công ty đang phải thắt chặt ngân sách, cắt giảm số lượng nhân viên.
Đôi khi việc yêu cầu kinh nghiệm cũng là một bài kiểm tra để phân loại những ứng viên hời hợt với những người thực sự muốn làm việc cho công ty và đủ tự tin vào năng lực của mình. Nếu bạn đủ quyết tâm, bạn sẽ chỉnh sửa CV sao cho khớp, thể hiện thái độ sẵn sàng học hỏi, hay tìm mọi cách để thu hút nhà tuyển dụng. Để có được công việc như mong muốn, quan trọng là chứng minh được năng lực làm việc của bản thân. Nhưng không thể phủ nhận rằng may mắn và yếu tố kinh nghiệm cũng đóng góp một phần trong sự thành công. Không có một mẫu số chung cho tất cả mọi người trong quá trình bước chân vào một công việc mới. Điều bạn có thể làm là chuẩn bị thật tốt về phía mình, mạnh dạn nộp đơn ứng tuyển và bình tĩnh tìm ra phương án cho chặng đường sự nghiệp phía trước dẫu kết quả có ra sao.