Phỏng vấn trực tuyến, điều nên biết để nổi bật giữa các ứng viên?

Bạn thường phản ứng như thế nào khi được mời phỏng vấn?

Đây là lúc hồ sơ của bạn đã vượt mặt được nhiều ứng viên để bước vào vòng tiếp theo, tuy vậy, nhiều bạn trẻ Gen Z lại ít có sự chuẩn bị cho buổi hẹn này.

Lý do có thể vì bạn lo lắng, vì bạn tự tin hoặc đôi khi chỉ đơn giản là không biết nên làm gì cả. Dẫu lý do gì thì hơn 1/5 thời gian trong cuộc đời của bạn là dành cho công việc, vậy tại sao không thử nghiêm túc tìm hiểu cách để chạm được những vị trí công việc mơ ước qua cách trả lời phỏng vấn ấn tượng?

Sau đây là chuỗi bí kíp phỏng vấn ứng tuyển cho sinh viên.

Trước phỏng vấn

Tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp

Có rất nhiều nơi để bạn tham khảo thông tin về công ty như trang web chính thức, Linkedin, Facebook hoặc các diễn đàn, group review. Những nơi này cung cấp cho bạn góc nhìn thực tế, điểm tốt hoặc chưa tốt trong văn hóa doanh nghiệp.

Nhằm tránh lan man khi tìm hiểu bạn có thể gạch xuống những câu hỏi như:

  1. Về thông tin cơ bản: Công ty A thành lập như thế nào? Địa chỉ họ ở đâu? Giá trị hoặc sứ mệnh hướng đến là gì?

  2. Về chuyên môn: Lĩnh vực mà công ty A đang phát triển mạnh là gì?  Đối thủ cạnh tranh là ai hoặc có tin tức gì mới xung quanh doanh nghiệp?

  3. Về môi trường làm việc: Văn hóa doanh nghiệp ra sao? Cách mọi người giao tiếp như thế nào? Cách thức quản lý và vận hành có gì khác biệt?

Liên kết những thông tin trên với vị trí mà bạn đang nộp vào, tìm ra mảnh ghép mà doanh nghiệp còn thiếu để thử xem bạn có thể “đóng góp” hoặc “mang đến” điều gì cho doanh nghiệp. Ví dụ như A đang tuyển dụng 2 sinh viên cho ngành thiết kế thời trang vì họ cần tìm ý tưởng mẫu vẽ mới, phù hợp phong cách váy đầm cho gen Z. Còn bạn thì am hiểu về chất liệu vải cho váy đầm, rất tỉ mỉ và ham học hỏi.

Một câu chuyện vui là mình thường tự tin hơn sau mỗi lần đọc “review” của các anh chị đi trước, nhiều nơi có “drama” lắm nhưng xét về mặt phù hợp thì nên đọc có lọc lựa nhé! Tiếp đến, để chuẩn bị tốt cho buổi phỏng vấn, bạn nên phân tích kỹ tác vụ của công việc.

Phân tích cụ thể về vai trò của công việc

Khi xem bài đăng về vị trí công việc hoặc chương trình thực tập, bạn xác định những kỹ năng hoặc yêu cầu công việc chính. Từ đó mở rộng thêm chất liệu để dùng cho buổi phỏng vấn.

Việc đọc lần này nên kèm theo một số câu hỏi như: Lý do công ty mở vị trí này? Họ tìm kiếm ứng viên có kỹ năng hoặc phẩm chất nào? Làm sao để mình thể hiện được kỹ năng đó lúc phỏng vấn? Đâu là câu chuyện mình muốn truyền tải?

Lúc này phần trả lời của bạn sẽ đúng trọng tâm, theo hướng mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.

Việc đọc mô tả công việc và tìm hiểu công ty còn giúp bạn đánh giá lại một lần nữa, liệu rằng công ty A có hợp với mình hay không.

Trung thực và tập trung vào những kỹ năng mà bạn sẵn có, nhất là những kỹ năng phù hợp với mô tả công việc sẽ giúp bạn tăng sự tin tưởng trong mắt nhà tuyển dụng.

Luyện tập với nền tảng gọi điện trực tuyến

Nhà tuyển dụng có thể sử dụng nhiều nền tảng khác nhau để phỏng vấn trực tuyến như: Zoom, Microsoft Teams, Skype, Google Meets…

Mình nên xem qua nền tảng mà doanh nghiệp sử dụng trước vài ngày phỏng vấn để không lúng túng trong buổi gặp mặt trực tuyến. Rất nhiều bạn sát giờ G mới mở máy lên, rồi vì quên đổi tên, đổi nền mà tham gia cuộc hẹn bị trễ.

Nhằm tránh những tình huống éo le xảy ra trước giờ phỏng vấn, bạn có thể tham khảo Checklist việc cần làm khi phỏng vấn trực tuyến ở phần bình luận.

Làm cho mình phù hợp và nổi bật

Để có thể tự tin giới thiệu về bản thân, bạn nên bị câu chuyện ngắn về nhằm nêu bật kỹ năng bạn có theo mô hình S.T.A.R. Câu chuyện này có thể sử dụng khi được hỏi về kinh nghiệm, kỹ năng hoặc tình huống ứng xử cụ thể.

S - Situation: Tình huống và nhiệm vụ

Miêu tả tình huống, bối cảnh nhiệm vụ bạn 

T - Task: Nhiệm vụ

Nhiệm vụ bạn được giao trong hình huống đó.

A - Action

Hành động: Những hành động mà bạn đã làm để giải quyết tình huống trên. Hành động của cá nhân bạn chứ không phải của cả nhóm nhé!

R - Result: Kết quả

Bạn đã đạt được gì sau những hành động trên? Kết quả của công việc như thế nào?

 

Câu hỏi tình huống ví dụ

Hãy kể tôi nghe về một lần bạn lên kế hoạch và hoàn thành nó?

Tình huống (Situation)

Vai trò của tôi là trưởng ban tổ chức cho một talkshow Truyền thông.

Nhiệm vụ (Task)

Nhiệm vụ của tôi là tìm kiếm 3 diễn giả khách mời. Với thời gian đặt ra là 10 ngày, cùng với sự bận rộn của các khách mời trong thời điểm đó, tôi biết rằng nhiệm vụ này rất khó khăn. Tôi đã đặt cho mình mục tiêu trong vòng 7 ngày, tôi phải tìm được ít nhất 3 khách mời, vì thế tôi có thể dư ra 3 ngày để lên kế hoạch B nếu xảy ra sự cố.

Hành động (Action)

Tôi phân công cho 3 người trong nhóm để liên lạc với những khách mời khác nhau, bằng cách đó, tôi rút ngắn được thời gian và đảm bảo công việc hiệu quả hơn.

Kết quả (Result)

Nhờ có 3 ngày dự phòng nên khi một khách mời huỷ lịch, chúng tôi đã có ngay một người khác thay thế. Việc phân chia nhiệm vụ cho từng người giúp cho công việc trở nên thuận lợi hơn.

Trước khi trả lời bạn hãy xác định họ đang muốn hỏi sâu vào kĩ năng gì. Như trên, tuy nhà tuyển dụng hỏi về một sự kiện mình từng tổ chức, nhưng họ như muốn biết thêm về kỹ năng sắp xếp và kỹ năng lãnh đạo của mình đó. Vì vậy trong câu trả lời, mình cố gắng thể hiện rõ mình đã áp dụng 2 kỹ năng này như thế nào trong sự kiện.

Luyện tập theo công thức trên bạn sẽ nêu bật lên được điều bạn đã học, thách thức mà bạn đối mặt, khả năng thực chiến hoặc phối hợp nhóm của bạn.

Bối cảnh tình huống trong câu chuyện của bạn không cần đâu xa, chỉ cần gần gũi và thực tế như việc bạn làm dự án hoặc bài tập cuối kỳ, việc bạn tham gia câu lạc bộ, hoạt động trong/ngoài trường…

Ở bài viết tiếp theo, TTPTNLSV sẽ tổng hợp cho bạn một số câu hỏi thường được gặp trong buổi phỏng vấn và cách trả lời thông thái nhất!

 

Tham khảo:

  1. What our 7 billion world population does - blog.adioma.com
  2. Bí quyết đi phỏng vấn xin việc chưa ai biết 2022 - Tina Do
  3. Giải quyết câu hỏi tình huống khi phỏng vấn với cấu trúc STARL - Anhtuanle.com